Nhìn lại công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2024

Chia sẻ bài

Trong năm 2024, công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam đã ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cơ quan Nhà nước, chủ thể dữ liệu và các doanh nghiệp. Nỗ lực đáng ghi nhận từ cơ quan Nhà nước Trong kỷ nguyên số, bảo vệ dữ liệu […]

VietData AI

Trong năm 2024, công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam đã ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cơ quan Nhà nước, chủ thể dữ liệu và các doanh nghiệp.

Nỗ lực đáng ghi nhận từ cơ quan Nhà nước

Trong kỷ nguyên số, bảo vệ dữ liệu cá nhân đã trở thành ưu tiên hàng đầu trên bình diện quốc tế, xuất phát từ nhu cầu bảo vệ quyền con người, thúc đẩy kinh tế số bền vững và hội nhập kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia đã thiết lập các khung pháp lý nghiêm ngặt, điển hình là Quy định chung về Bảo vệ dữ liệu cá nhân (GDPR) của Liên minh Châu Âu, cùng với các luật bảo vệ dữ liệu tại các quốc gia láng giềng như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, dù chưa tham gia các hiệp ước đa phương chuyên biệt nhưng vẫn chịu ảnh hưởng từ các cam kết quốc tế như ICCPR, CPTPP, EVFTA, ACFTA và CRC. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, trong năm 2024, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, nổi bật là việc triển khai Nghị định 13/2023/NĐ-CP. Điển hình, tháng 11/2024, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao – Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lần đầu tiên xử phạt các cá nhân vi phạm theo Nghị định này.

Tuy nhiên, thực tế triển khai Nghị định 13/2023/NĐ-CP cũng bộc lộ nhiều bất cập do thiếu một văn bản luật “gốc” để đảm bảo sự bao quát và đồng bộ với các quy định hiện hành. Nhằm khắc phục những hạn chế này, tháng 5/2024, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng đã được công bố để củng cố hệ thống thực thi và xử phạt. Quan trọng hơn, tháng 9/2024, dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã ra mắt với mục tiêu thay thế Nghị định 13/2023/NĐ-CP, tạo nền tảng pháp lý vững chắc về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước tích cực lồng ghép nội dung bảo vệ dữ liệu cá nhân trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, nhằm hướng tới một môi trường pháp lý toàn diện, bảo vệ tốt hơn dữ liệu cá nhân trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.

Nỗ lực từ chủ thể dữ liệu

Song hành với các nỗ lực từ phía Nhà nước, ý thức của các chủ thể dữ liệu cá nhân cũng có những cải thiện đáng kể trong năm 2024. Không khó để bắt gặp các bài viết và video về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này cho thấy cộng đồng không chỉ ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề mà còn tích cực tham gia tuyên truyền, chia sẻ hướng dẫn và thúc đẩy các hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân. Một minh chứng điển hình là vụ việc của bà N.D. tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Bà đã khiếu nại khách sạn vì đã tiết lộ thông tin cho người khác mà không có sự đồng ý, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà. Mặc dù sau đó cơ quan công an xác định lỗi thuộc về ba cá nhân vi phạm, gồm ông Huỳnh X.N., ông Nguyễn X.Q., và ông Nguyễn T.P., vụ việc vẫn là một lời cảnh báo nghiêm khắc cho các bên tham gia xử lý dữ liệu cá nhân, nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật.

Nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên còn mang nặng tính đối phó

Trong bối cảnh Nghị định 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có những động thái tích cực ban đầu trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiều đơn vị đã đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ, cải thiện quy trình, triển khai các tính năng thu thập sự đồng ý của chủ thể dữ liệu và cho phép chủ thể thực thi quyền như rút lại sự đồng ý. Một số doanh nghiệp khác cũng áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo dựng niềm tin với khách hàng. Các chương trình đào tạo nội bộ và hợp tác với các đơn vị chuyên môn cũng được triển khai để nâng cao nhận thức.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp thiết lập thông báo xử lý dữ liệu cá nhân sơ sài, thiếu nội dung, sử dụng ngôn từ chung chung, khó hiểu hoặc thậm chí sai lệch, gây khó khăn cho người dùng trong việc nắm bắt quyền lợi. Việc lấy sự đồng ý cũng thường qua loa, thông qua các hộp thoại nhỏ, mặc định chọn “đồng ý” hoặc không cho người dùng lựa chọn khác. Quy trình thực thi quyền của chủ thể dữ liệu như rút lại sự đồng ý còn phức tạp và gây khó khăn. Mặc dù có đào tạo, nhiều nhân viên vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề và cách triển khai sao cho tuân thủ tối đa với quy định pháp luật. Thực trạng này cho thấy dù đã có những bước khởi đầu, phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa thực sự coi bảo vệ dữ liệu cá nhân là một ưu tiên chiến lược, dẫn đến việc tuân thủ còn mang tính hình thức và chưa hiệu quả.

Nhìn lại năm 2024, công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng với nỗ lực từ cơ quan Nhà nước, sự nâng cao nhận thức của chủ thể dữ liệu và quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, đặc biệt là việc hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong việc tuân thủ quy định. Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là yếu tố cốt lõi để xây dựng một môi trường kinh tế số an toàn và bền vững.

Tác giả: Lucy Anh Phạm

Các bài viết liên quan
VietData AI

16 phút đọc

Khám phá sự thật đằng sau “chuyên gia tâm lý AI” – liệu đây là bước tiến hỗ trợ tinh thần hay là mối đe dọa âm thầm đến quyền riêng tư?

VietData AI

5 phút đọc

Khám phá đội ngũ lãnh đạo Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia (2025–2030), với các chuyên gia hàng đầu từ nhiều lĩnh vực như công nghệ, dữ liệu và quản lý. Cùng tầm nhìn chiến lược, họ đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển hệ sinh thái dữ liệu Việt Nam.

VietData AI

12 phút đọc

Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia – Ngôi nhà chung của các “hiệp sĩ số” – đang dẫn đầu hành trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Khám phá vai trò, sứ mệnh và 7 nhiệm vụ chiến lược giúp Việt Nam trở thành quốc gia phát triển dựa trên dữ liệu. Cùng chung tay xây dựng tương lai số bền vững!